Blogs
Jul 4 • Terry Tran

(VN) #Wolffun Game - Khối Sản phẩm: Thử thách bằng Dữ liệu, Diệt mọi loại Bug, Cách tân Sản phẩm

“Thetan Arena là một sản phẩm không chỉ đem lại niềm tự hào cho riêng tôi mà cho tập thể đội ngũ phát triển. Thời điểm đạt mốc 150,000 Peak CCU là một kỷ niệm khó quên với tôi. Chúng tôi đã làm được một sản phẩm đem tới niềm vui cho hàng chục triệu người dùng trên thế giới.” - Anh Sơ Tuấn Hoàng, CTO, Giám đốc khối Sản phẩm tại Wolffun.

Một chiếc phi thuyền không thể thành hình và đi vào không gian nếu chỉ là những bản vẽ thiết kế, chúng cần những kỹ sư tạo ra những cỗ máy hoạt động theo đúng chức năng định sẵn, vận hành và tối ưu chúng. Từ khâu thiết kế của Game Design, những thành viên của khối Product chịu trách nhiệm hoàn toàn khâu sản xuất từ concept, phát triển, thử nghiệm (test), cải thiện dựa trên dữ liệu, hoàn thiện và phát hành sản phẩm. Khối Product đóng vai trò cốt lõi trong khâu sản xuất và vận hành game, bao gồm các team gắn kết chặt chẽ với nhau gồm: Data, Quality Control, Dev (Front-End, Back-End, Unity) và dĩ nhiên luôn cần có những PM cần mẫn.

Product Team-web.jpg

Chúng tôi đã làm sản phẩm như thế nào?

Tôi nghĩ đó là những trận chiến tương tự như trong game Thetan Arena” (cười), anh Sơ Tuấn Hoàng chia sẻ. “Công việc đầu tiên là những cuộc họp xem xét kỹ lưỡng những bản thiết kế của Game Design. Chúng tôi mổ xẻ chi tiết xem xét phần lý do thuyết phục (reasoning) của họ để hiểu được thiết kế đó như thế nào, tại sao phải thực hiện nó, và nó có phù hợp với định hướng hiện tại của công ty. Nếu không đáp ứng rõ ràng những lời giải này, chúng tôi sẽ từ chối đến khi họ có đủ thông tin thuyết phục. Do vậy nó thực sự là những cuộc nội chiến mà cả khối Product, GD và Biz đều góp mặt và hướng tới mục tiêu chung, một sản phẩm đạt mức độ hoàn thiện cao khi phát hành.”

Khác với quy trình làm game như một nhà phát triển độc lập (indie developer) như trước đây, Wolffun hiện có gần 100 thành viên với khối Product chiếm phần lớn. Do đó, các bước khởi động dự án đến phát triển sản phẩm đã trở nên chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi kết hợp cung cách quy trình chuyên nghiệp của một studio tiêu chuẩn với tinh thần và độ linh hoạt của một ‘indie developer’. Điều này giúp chúng tôi giải quyết các công việc được nhanh hơn nhưng phải đạt chất lượng mong muốn.

Hãy nói chuyện bằng Dữ liệu!

Đối với khối Product khi ra mắt sản phẩm và vận hành, data đóng vai trò cực kỳ quan trọng, chiếm 80% trong mọi quyết định để team biết cần cải thiện và phát triển nội dung nào. Tại Wolffun, các team thường 'nói chuyện' với nhau hoặc ra các quyết định bằng dữ liệu để các thông tin không bị mơ hồ hoặc chủ quan cảm tính. Do đó, dữ liệu luôn đóng vai trò rất quan trọng.

Data không nói dối’, nó giúp chúng tôi hiểu hơn về game và người dùng. Tôi rất ngưỡng mộ đội ngũ team Data dẫn dắt bởi An, một leader có khiếu hài hước về cung cách quản lý nhưng rất nghiêm túc trong việc ‘trông coi’ số liệu. Đo lường được gần như tất cả và luôn luôn tối ưu là mục tiêu luôn thôi thúc An tìm những công cụ hay phương thức mới. An thường dành thời gian để nghiên cứu hoặc trao đổi với cộng đồng chuyên ngành, hay thậm chí có các cuộc phiêu lưu đến những studio danh tiếng ở Châu Âu để học hỏi. Điều này giúp ích cho chúng tôi khi muốn ứng dụng thử nghiệm những trải nghiệm mới." - anh Hoàng bày tỏ về đồng nghiệp dẫn dắt team Dữ liệu.

Một điều khá thú vị về team Data là những thành viên luôn biết làm mới mình sau khi đã làm quen với các con số. Bước đầu, họ sẽ trở thành những tư vấn số liệu cho các bản thiết kế của đội ngũ Game Design. Kế tiếp, họ tiếp tục thử nghiệm mình ở vai trò một GD sau khi đã dần quen với các bản thiết kế. Theo đó, môi trường gắn kết và bổ trợ trong khối Product dần tạo ra những Game Design mới.

Anh Nguyễn Đoàn Hoài An (thứ ba từ trái sang), Trưởng Bộ phận Dữ liệu cùng các thành viên của team

Cảnh báo, có bugs trong bản phát hành!

Người gác cửa’ là cách mà chúng tôi gọi chị Nguyễn Thị Lệ Trinh, Trưởng Bộ phận Chất lượng Sản phẩm, theo đúng cách mà cô ấy cùng đội ngũ của mình tỉ mỉ dò tìm các bug trong từng nội dung, từng bản phát hành trước khi chúng đến được người dùng.

Cô ấy thật sự là ‘ông kẹ’ của team Dev” (cười). “Chị Trinh không bao giờ thỏa hiệp hoặc dễ dàng cho qua một lỗi nào mà team cô ấy tìm thấy.” Chúng tôi sẽ cùng phân loại và xếp loại mức độ của từng bug để xử lý tuần tự, đặt thời hạn hoàn tất trước thời điểm phát hành. Anh Hoàng cho biết.

Có rất nhiều dạng bug mà chúng tôi phải đối mặt, và một số chỉ xuất hiện khi đạt số lượng tester ở mức độ lớn. Do đó, chúng tôi thường phân chia ra từ 2-4 giai đoạn phát hành sản phẩm gồm Alpha, Beta, Soft Launch đến Official Launch. Ở mỗi giai đoạn chúng tôi tìm ra và khắc phục các lỗi, hay nhận được các phản hồi quý giá từ những người dùng trải nghiệm sớm. Nhiều người dùng có những trải nghiệm rất riêng biệt với sản phẩm và phản hồi đến chúng tôi đã giúp khắc phục và cải thiện rất nhiều. Chúng tôi rất biết ơn họ.

Tôi nhớ cứ vào mỗi buổi chiều lúc 5g30 ba tháng trước thời điểm phát hành bản chính thức, một thông báo thử nghiệm sản phẩm sắp phát hành xuất hiện trên cổng thông tin công ty và đó là lúc những người dùng đầu tiên cũng là chính tập thể thành viên công ty cùng trải nghiệm. Mọi người, ý tôi là tất cả thành viên công ty cùng test, cùng vui cười thách đấu nhau hay cau có với lỗi. Nó trở thành một hoạt động gắn kết chúng tôi, hướng tâm trí của toàn bộ thành viên về một mục tiêu chung. Đó thật sự là những khoảng thời gian quý giá."

Chị Nguyễn Thị Lệ Trinh, thứ hai từ trái sang (hàng trên), Trưởng Bộ phận Chất lượng Sản phẩm cùng các thành viên luôn vui tươi dễ mến

"Chúng tôi đã học được nhiều bài học từ Thetan Arena"

"Việc ứng dụng Blockchain vào game truyền thống đưa Thetan Arena trở thành một trong những sản phẩm Gamefi hàng đầu vào thời điểm ra mắt, nhanh chóng thu hút hơn 20 triệu người dùng đã khiến hệ thống chúng tôi… vấp ngã. Đó là một bài học thật sự đắt giá! Những niềm vui khi Peak CCU nhảy từ con số 50k, 70k rồi đến 150k chưa kịp tận hưởng thì đội ngũ phải nhanh chóng khắc phục sự cố. Anh em đã thật sự cống hiến và gắn kết giải quyết vấn đề." - anh Hoàng nhớ lại.

Bài học lớn của chúng tôi là về việc ứng dụng Blockchain vào game. Chúng tôi đã phải học rất nhiều trong thời gian ngắn và liên tục cải thiện theo áp lực rất lớn từ những biến đổi không ngừng của thị trường. Nó khác biệt với việc sản xuất và phát hành một game truyền thống nên chúng tôi xác định phải luôn cải thiện và tối ưu liên tục.

"Với tôi, việc ứng dụng Blockchain vào game là trải nghiệm rất thú vị. Trước đây, chỉ là nhà phát triển game bán sản phẩm đến người dùng nhưng nhờ Blockchain, người dùng có thể sở hữu vật phẩm và tự giao dịch với nhau dễ dàng. Đây là một sự khác biệt rất lớn. Bên cạnh đó, biến động của thị trường cryptocurrency không phải là yếu tố tác động đến việc phát triển game của team Product, thay vào đó tính ưu và nhược điểm của Gamefi mới là thứ tác động chính. Wolffun Game mong muốn tạo ra game thật sự đem lại giá trị cho người dùng nên việc hiểu rõ ưu cũng như nhược điểm của Gamefi sẽ khiến cho team Product ngưng phát triển một số tính năng để cải thiện game. Từ việc hiểu rõ các điểm hạn chế của Gamefi, team sẽ phát triển các tính năng khác có lợi hơn cho người dùng để họ tận hưởng game và earn từ đó.

Thetan Rivals, những điều thú vị mới đáng mong đợi

So với những trận đánh cần kỹ năng của Thetan Arena, Thetan Rivals là một trải nghiệm mới mà Wolffun Game đem đến cho người dùng, phù hợp với nhiều người chơi. Đội ngũ phát triển dựa trên kinh nghiệm của dòng game trực tuyến nhiều người chơi cùng lúc (Multiplayer) của Thetan Arena áp dụng vào Thetan Rivals. Tuy vậy, so với 08 người chơi trong một trận đấu của Thetan Arena thì Thetan Rivals có đến 20-32 người chơi liên tục qua 03 vòng battle, cùng nhiều maps và mode chơi khác nhau. Do đó, về mặt phát triển sản phẩm thì khối lượng công việc cho Thetan Rivals vượt gấp nhiều lần so với Thetan Arena.

Một sự hứng khởi đáng mong đợi kế tiếp sau Thetan Arena là đây!

Việc thiếu hụt nhân lực Unity và game developer khiến các công ty phát triển game tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á giảm sức cạnh tranh với những thị trường đã phát triển. Do đó, Wolffun ứng dụng việc đào tạo 'in-house' để những bạn junior có thể nắm bắt kiến thức từ các senior và trải nghiệm trực tiếp trên quá trình phát triển sản phẩm. Mục tiêu của Wolffun trở thành Top 5 Nhà phát triển Game và Platforms trong khu vực vào năm 2025.


  • Share to Facebook
  • Youtube link
Related PostsSee all