Blogs
Jun 28 • Terry Tran

(VN) #Woffun Game - Game Design: Khám phá 'bộ não' thiết kế game

"Luôn nghĩ về thiết kế, tận tụy cho từng chi tiết liên quan thiết kế đó, không ngừng dung nạp kiến thức để cải thiện, tối ưu và mở rộng." - Chị Diệu Nguyễn, Kỹ sư trưởng Bộ phận Game Design tại Wolffun nói về công việc của một nhà thiết kế game

/GAME DESIGNER: NHỮNG BỘ ÓC VỚI 1.001 CÂU HỎI

Nếu thuyền trưởng là người định hướng và dẫn dắt 'phi thuyền' tiến xa thì một Game Designer (GD) là người kỹ sư trưởng tạo ra bản vẽ thiết kế toàn bộ công năng cho phi thuyền đó hoạt động ra sao và như thế nào. Họ đóng vai trò rất quan trọng vì một tính toán sai số dù nhỏ cũng có thể làm lệch quỹ đạo, ảnh hưởng lớn đến thành công của sản phẩm.

Vì sao sản phẩm cần thiết kế này?’. ‘Vì sao người dùng muốn sử dụng tính năng này?’, ‘Nó đem lại lợi ích cho họ ra sao?’, ‘Nó sẽ hoạt động như thế nào?’, ‘Con số thiết lập nào là phù hợp?’... Đó là một số trong hàng trăm câu hỏi trình tự mà một game designer cần trả lời trước khi thiết kế một tính năng hay nội dung trong game. Và đó là công việc hàng ngày của chúng tôi, nhà thiết kế game, chị Diệu chia sẻ.

Game Design là ngành yêu cầu trường kiến thức rộng, người thiết kế cần có hiểu biết tốt về tâm lý học, và hiểu biết cơ bản về giáo dục, toán, logic, khả năng đọc hiểu và phân tích dữ liệu tốt, bao hàm cả kiến thức âm nhạc, hội họa… Có thể xem là ‘ôm đồm kiến thức’ nhưng chúng là nguyên liệu cần thiết để game designer nhào nặn ra các ý tưởng bổ trợ cho game designer khi thiết kế. Ví dụ: Hiểu biết về giáo dục giúp thiết kế ra các hướng dẫn hiệu quả giúp người chơi hòa nhập game nhanh hơn (quy trình onboarding cho người chơi mới), hiểu biết về tâm lý học cho phép người thiết kế ứng dụng lý thuyết “Flow”, là công thức để tạo ra gameplay mang đến được “niềm vui nội tại” (intrinsic rewards) cho người chơi. Hiểu biết về logic và toán giúp người thiết kế có thể trình bày ý tưởng ở dạng số và công thức, từ đó lập trình viên có thể đưa ý tưởng vào game. Hiểu biết về âm nhạc, hội họa… giúp người thiết kế sáng tạo ra nhân vật có cá tính, tạo ra trang phục và âm thanh phù hợp với nhân vật và môi trường trong game.

Bên cạnh đó, game designer cần sở hữu và vận dụng tốt kỹ năng “tư duy phản biện” (critical thinking). Thông thường để đi đến được một kết luận như chọn ý tưởng nào, con số nào…, game designer cần nghĩ ra rất nhiều ý tưởng, và đi qua nhiều lập luận để loại bỏ đa số ý tưởng của chính mình để chọn ra được cái tốt nhất.

Một thiết kế thường bao gồm số lượng chi tiết rất lớn cần sự sáng tạo và tinh chỉnh cho từng chi tiết, chưa kể đến việc sáng tạo nhưng phải đảm bảo được các thiết kế trong một hệ thống lớn hoạt động được nhịp nhàng với nhau. Tại một thời điểm, để hoàn thành một thiết kế theo yêu cầu về thời gian của dự án, vừa đảm bảo chất lượng thiết kế, GD cần phải cân bằng được quỹ thời gian phân phối vào việc tìm hiểu và thực hiện. Khó khăn này đặc biệt thách thức hơn nữa khi người thiết kế tham gia vào những dự án có dòng game mà mình chưa từng có kinh nghiệm trải qua.

Khó khăn lớn nhất mà game designer thường gặp phải là khả năng “cân đối” thời gian giữa việc học và làm việc. Lượng kiến thức cần cho nghề thiết kế game vừa ở diện rộng vừa nhiều, yêu cầu đơn vị thời gian nhiều năm (thậm chí là hàng thập kỷ) để thu nhận, bên cạnh đó việc ứng dụng các kiến thức này vào thiết kế cũng là một thách thức lớn, cần một khoảng thời gian dài để thử nghiệm và rút ra bài học qua nhiều lần.

Điều kiện tiên quyết để làm một game designer là niềm đam mê và tận tụy với thiết kế để có thể dành rất nhiều thời gian dung nạp kiến thức mới để thiết kế tốt hơn, và suy nghĩ về thiết kế của mình, đa số là những lúc ngoài giờ làm, nhằm tìm ra những điểm có thể cải thiện và ý tưởng mới.

----------------------------------------

Game Design được xem là một ngành 'nghề dạy nghề' trước nay tại Việt Nam nên số lượng nhân lực vẫn rất hạn chế. Các thế hệ Game Design tại các studio đều là những kỹ sư trưởng trải qua thời gian dài 'trận mạc', nhiều lần thất bại rồi liên tục cải thiện, cải tiến cho sản phẩm, chăm chút từng 'flow' trong game. Tuy sự 'thành - bại' của một sản phẩm đến từ rất nhiều yếu tố nhưng Game Design thường là bộ phận chịu áp lực trách nhiệm rất lớn. Thế nên, Game Design không dành cho người thiếu ý chí và sự bền vỉ. 

Tại Wolffun, Game Design team với sự dẫn dắt của leader giàu kinh nghiệm chị Nguyễn Thị Diệu, hiện có hơn 06 thành viên là những bộ óc tận tụy cho các thiết kế đóng góp vào thành công của dự án. Một lợi điểm cho các thành viên mới gia nhập thời gian qua là có thể tiếp cận kiến thức lẫn kinh nghiệm đã được quy chuẩn từ những thành viên dày dạn kinh nghiệm. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa khối Game Design và Product, trong đó phải kể đến team Data và QC đã giúp sức cho các bản thiết kế của GD thêm hoàn thiện. Tất cả đã cùng nâng cao đáng kể kỹ năng của mình sau khi hoàn thành thiết kế Thetan Arena, và tiếp tục miệt mài với Thetan Rivals.

Một thử thách mới, một mục tiêu mới, to lớn!

----------------------------------------

(*) Series bài viết về Wolffun Team, về những con người luôn chăm chỉ và nhiệt huyết với dự án, những câu chuyện trong quá trình phát triển sản phẩm, cùng những chia sẻ từ người trong cuộc. Loạt bài viết này có mặt trong Thetan Book - Chapter 1, một quyển 'nhật ký' của đội ngũ Wolffun, của cộng đồng Thetanians và những người yêu mến Thetan Arena đã đồng hành trong suốt hơn một năm qua.


  • Share to Facebook
  • Youtube link
Related PostsSee all